Uống những cây này hết ngay stress

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự gián đoạn trong cân bằng bình thường của dẫn truyền thần kinh và hormone chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe. Ví dụ, sự mất cân bằng nồng độ serotonin có thể dẫn đến trầm cảm, hoặc lo lắng, giận dữ hay cảm giác hoảng loạn. Những bất thường nội tiết tố có thể dẫn những vấn đề khác như ăn ngủ kém và thay đổi tâm trạng. Một trong những nguyên nhân phá vỡ sự cân bằng dẫn truyền thần kinh đó là sự căng thẳng (stress). Stress thường phát sinh bởi những yêu cầu công việc, lối sống bận rộn, lo lắng tài chính và xung đột cá nhân… diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Dấu hiệu của stress bao gồm: khó chịu, tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, lo âu, đau đầu, phiền muộn, rối loạn giấc ngủ.

Thuốc để điều trị căng thằng, hoặc giải quyết các triệu chứng của nó thường dùng các thuốc hướng thần, tuy nhiên có thế gây tác dụng không mong muốn như: rối loạn thần kinh thực vật, thay đổi cảm xúc thất thường, rối loạn trương lực cơ hoặc có thể gây quen thuốc… Với liệu pháp thiên nhiên, dùng các loại thảo dược để chống lại sự căng thẳng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có tác dụng tốt, an toàn, không gây tác dụng phụ. Qua nhiều thế kỷ, nhiều thảo dược đã được sử dụng để điều trị bệnh thần kinh và giúp khôi phục lại tinh thần. Dưới đây là những loại thảo mộc đặc biệt hiệu quả, thường có sẵn và được áp dụng rộng rãi. Một số loại được sử dụng từ lâu đời, một số loại mới được nghiên cứu phát hiện.

- Rau đắng biển (Bacopa - Bacopa monnieri) được sử dụng để làm giảm và ngăn ngừa stress. Ngoài ra, nó còn có tác dụng tăng sự tập trung, cải thiện trí nhớ và chức năng nhận thức, thúc đẩy cảm xúc hạnh phúc, tăng cường thể lực và hệ miễn dịch, chống lại tế bào ung thư.

Rau đắng biển

- Các chế phẩm làm từ rễ và lá của cây bơ gai (Butterbur - Petasites hybridus) được sử dụng trong y học thảo dược hiện đại để giảm đau đầu đau nửa đầu do stress gây ra. Thử nghiệm lâm sàng đã xác nhận tác dụng của nó.

Cây bơ gai.

- Tiểu bạch cúc (Feverfew - Tanacetum parthenium) đã từng được dùng ở Hy Lạp cổ đại chủ yếu để hạ sốt, nhưng ngày nay nó được dùng để trị chứng đau nửa đầu rất hiệu quả.

Tiểu bạch cúc.

- Hoa bia (Hops - Humulus lupulus) thường được dùng trong sản xuất bia. Trong y học, loại thảo dược này giúp chống mất ngủ, kích thích giấc ngủ, giúp giảm căng thẳng thần kinh.

Hoa bia.

- Cây hồ tiêu rễ (Kava - Piper methysticum) được sử dụng để điều trị rối loạn giấc ngủ và rối loạn lo âu và trầm cảm nhẹ.

Cây hồ tiêu rễ.

- Cây hương phong thảo (Lemon balm - Melissa officinalis) thường được kết hợp với hoa bia (Hops - Humulus lupulus), cây nữ lang (Valeriana - Valeriana officinalis) sử dụng để cải thiện giấc ngủ, giảm bớt căng thẳng, tăng trí nhớ và khả năng học tập.

Cây hương phong thảo.

- Cỏ thánh John (St. John’s Wort - Hypericum perforatum), là loại thảo dược được sử dụng rộng rãi nhất ở châu u đặc biệt ở Đức để điều trị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình. Loại cỏ này rất an toàn, dùng được cho thanh thiếu niên và trẻ em. Một số nghiên cứu đã cho thấy loại cỏ này giúp cân bằng lượng của serotonin dẫn truyền thần kinh trong não.

Cỏ thánh John.

- Cây nữ lang (Valeriana - Valeriana officinalis) là loại thảo dược được dùng từ lâu đời ở các quốc gia cổ đại Hy Lạp và La Mã, cũng như trong y học cổ truyền Trung Quốc và Ấn Độ. Hiện nay, loại cây này được dùng để giúp dễ ngủ, ngủ sâu giấc với ít tác dụng phụ.

Cây nữ lang.

Tiến sỹ - Lương Y: Phùng Tuấn Giang

(Chủ tịch Tổ chức Quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam.)

Thường sơn, thục tất: vị thuốc trị sốt rét

Thục tất là mầm rễ non của cây thường sơn. Thục tất có tác dụng như thường sơn, nhưng mạnh hơn để chữa sốt rét thể rét nhiều nóng ít.

Thường sơn chứa alcaloid (febrifugin, isofebrifugin...), umbeliferon. Theo Đông y, thường sơn vị đắng, tính hàn, có ít độc. Vào kinh phế, tâm và can. Có tác dụng gây thổ ra đờm dãi, chữa sốt rét. Liều dùng: 6-12g. Tẩm rượu sao sẽ giảm tác dụng phụ gây nôn của thường sơn. Nếu muốn gây nôn thì dùng sống.

Thường sơn, thục tất: vị thuốc trị sốt rétCây thường sơn.

Một số bài thuốc có thường sơn:

Chữa sốt rét: Các trường hợp sốt rét mới hay đã lâu.

Bài 1 - Chè thuốc thất bảo: thường sơn 12g, thảo quả 12g, hậu phác 12g, thanh bì 12g, hạt cau 12g, trần bì 12g, cam thảo 4g. Các vị sắc với nửa phần nước và nửa phần rượu để uống. Chữa sốt rét mà thiên về đàm thấp (đờm ướt, rớt lỏng).

Bài 2: thường sơn 63g, ô mai thán 63g. Thường sơn ngâm vào nước gừng trong 3 ngày, vớt lên phơi khô, sấy khô, nghiền chung với ô mai thán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, uống liền trong 3 ngày. Chữa sốt rét liên miên không dứt.

Bài 3: thường sơn 12g, binh lang 8g, bối mẫu 8g, gừng nướng 5 lát, thảo quả 8g, tri mẫu 8g, ô mai 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống trước khi lên cơn sốt 2-3 giờ. Tác dụng khu đàm tiệt ngược. Trị sốt rét lâu ngày không khỏi, sốt khá cao, miệng khát lưỡi khô.

Bài 4: thường sơn 12g, tri mẫu 8g, gừng nướng 5 lát, thảo quả 8g, cao lương khương 8g, chích thảo 6g, ô mai nhục 8g, đại táo 3 quả. Sắc uống trước khi lên cơn sốt 2-3 giờ. Tác dụng: thanh nhiệt tán kết, khử đờm, chặn cơn sốt rét. Trị sốt rét lâu ngày không khỏi, sốt khá cao, miệng khát lưỡi khô.

Bài 5 - Tiệt ngược thường sơn ẩm: thường sơn 12g, binh lang 8g, thảo quả 8g, tri mẫu 8g, ô mai 8g, xuyên sơn giáp 8g, chích thảo 6g. Sắc uống trước khi lên cơn sốt 2-3 giờ. Tác dụng khu đàm tiệt ngược. Trị sốt rét lâu ngày không khỏi, sốt khá cao, miệng khát lưỡi khô.

Gây thổ ra đờm, chữa đầy trướng. Dùng cho các chứng đờm dãi tích đọng lâu ngày, muốn thổ ra không được, tức ngực: thường sơn 20g, cam thảo 6g. Các vị sắc với nước, thêm mật vào, uống lúc ấm để gây nôn ra đờm.

Kiêng kỵ: Người yếu mệt uống phải cẩn thận. Phụ nữ có thai cấm uống. Thường sơn kỵ với hành củ nên khi uống thuốc có thường sơn kiêng ăn hành.

TS. Nguyễn Đức Quang

Hy thiêm trị phong thấp, mụn nhọt

Hy thiêm là thân, cành mang lá phơi khô của cây hy thiêm. Hy thiêm chứa daturosid (khi thủy phân cho glucose và daturigenol), chất orientin, orientalid,... Trong bào chế Đông y, thường tẩm rượu và mật, đồ chín, phơi khô; nếu làm được 9 lần thì tốt nhất. Vị đắng, tính hàn, hơi có độc; vào các kinh can và thận. Hy thiêm có tác dụng khu phong trừ thấp, hoạt huyết giảm đau, lợi gân xương; ngoài ra còn giải độc. Liều dùng: 12-16g.

Một số bài thuốc trị bệnh có hy thiêm:

Trừ phong, giảm đau: Trị cảm gió nhức đầu, phong thấp, đau gân xương.

Bài 1: cỏ hy thiêm 12g, dây mơ lông 12g, rễ và lá cây mò trắng 16g, ngưu tất 20g. Sắc uống. Trị phong thấp, đau khớp, chân tay tê bại, gân xương đau nhức.

Bài 2: hy thiêm 80g, ngũ gia bì 100g, cỏ gà 80g, rễ rung rúc 80g, rễ cây bươm bướm 60g, cây bấn đỏ 40g, cây bấn trắng 40g, cỏ roi ngựa 24g, quy bầu 40g, ô dược 40g, cỏ xước 40g, rễ bưởi bung 40g, cây bạc thau 24g, cỏ nụ áo 24g, ngò đất 24g. Các vị thái nhỏ, sao vàng, cho vào túi vải, bỏ vào hũ rượu, trát đất kín miệng, cho lên bếp đun nhỏ lửa hết một nén hương, chôn xuống đất 3 ngày đêm; lấy uống dần vào lúc đói. Trị phong thấp (Hải Thượng Lãn Ông).

hy thiemCây hy thiêm.

Bài 3: hy thiêm (tẩm rượu mật chưng) sấy khô, tán bột, luyện với mật. Ngày uống 10-15g. Chữa phong thấp thể nhiệt, đau lưng và các khớp xương.

Bài 4: hy thiêm 16g, rễ vòi voi 16g, thổ phục linh 16g, ngưu tất 12g, kê huyết đằng 12g, sinh địa 12g, nam độc lực 10g, rễ cà gai leo 10g, rễ cúc áo 10g, huyết dụ 10g. Sắc uống. Ngày uống 1 thang. Chữa viêm khớp dạng thấp.

Giải độc, chữa mụn lở: Dùng cho các chứng bệnh lở loét, sưng nhọt do phong thấp; ngoài ra còn giải độc do rắn cắn.

Bài 1- Nhị diệu thang gia giảm: hy thiêm 12g, hoàng bá 12g, ké đầu ngựa 12g, phù bình 12g, bạch tiên bì 12g, thương truật 8g, phòng phong 8g. Sắc uống. Ngày uống 1 thang. Chữa chàm.

Bài 2: hòe hoa, sinh địa, cây cứt lợn, thạch cao mỗi vị 20g; thổ phục linh, hy thiêm, kim ngân hoa, ké đầu ngựa, cam thảo đất mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa vẩy nến.

Bài 3: thổ phục linh 20g; hy thiêm, ké đầu ngựa, ý dĩ, sinh địa mỗi vị 16g; tỳ giải, cây cứt lợn, kim ngân, kinh giới, cam thảo đất mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa tổ đỉa.

Bài 4: hy thiêm tươi liều lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ đau. Trị chảy máu (ngoại thương), sưng nhọt, mụn lở, rắn cắn.

Trị tăng huyết áp:

Bài 1: hy thiêm, hoa hòe mỗi vị 20g. Sắc uống. Trị tăng huyết áp kèm thần kinh suy nhược, mất ngủ.

Bài 2: hy thiêm 8g; ngưu tất, thảo quyết minh, hoàng cầm, trạch tả mỗi vị 6g; chi tử, long đởm thảo mỗi vị 4g. Sắc hoặc hãm uống ngày 1 thang.

Kiêng kỵ: Không phải phong thấp không nên dùng; người huyết hư cấm uống.

TS. Nguyễn Đức Quang